Tế bào gốc trung mô (MSC) là gì?

Tế bào gốc trung mô (Mesenchymal stem cell – MSC) là loại tế bào gốc được sử dụng nhiều nhất trong y học hiện đại. Bởi chúng có khả năng nghiên cứu và sử dụng để điều trị một số bệnh lý phức tạp mà nhiều phương pháp khoa học hiện đại như phẫu thuật chưa thể khắc phục. Ngày càng có nhiều nghiên cứu y học chứng minh hiệu quả và tiềm năng của loại tế bào này. Bài viết này Medeze sẽ giải thích tế bào gốc trung mô là gì, chúng có ở đâu và tế bào gốc trung mô có tiềm năng gì trong việc ứng dụng điều trị bệnh trong tương lai.

Tìm hiểu thêm: Tế bào gốc là gì? Ứng dụng và điều trị của tế bào gốc

Tế bào gốc trung mô là gì?

Tế bào gốc trung mô (Mesenchymal stem cell – MSC) là những tế bào gốc trưởng thành đa năng, có khả năng tự tăng sinh và biệt hóa thành các tế bào thuộc mô liên kết như mỡ, xương, sụn và các loại tế bào khác như tế bào thần kinh, gan, tụy, thận…

hình ảnh tế bào gốc trung mô
Tế bào gốc trung mô có nguồn gốc từ tủy xương của con người có hình thái giống nguyên bào sợi được nhìn thấy dưới kính hiển vi tương phản pha (carl zeiss axiovert 40 CFL) ở độ phóng đại 63x.

Theo ThS. Nguyễn Tiến Lung, đơn vị Gen – Tế bào gốc, Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai, “trung mô” là thuật ngữ để chỉ mô liên kết thưa đang phát triển của phôi, chủ yếu bắt nguồn từ trung bì và tạo ra phần lớn các tế bào của mô liên kết ở cơ thể trưởng thành.

Tế bào gốc trung mô có ở đâu

Tế bào gốc trung mô có thể được thu thập từ nhiều nguồn khác nhau như: tủy xương, mô mỡ, dây rốn trẻ sơ sinh, nhau thai, dịch ối, răng sữa…

Tế bào gốc trung mô từ tủy xương

Tủy xương là nguồn thu nhận tế bào gốc trung mô đầu tiên, và hiện nay vẫn được sử dụng nhiều nhất. Tế bào gốc trung mô từ tủy xương được coi là nguồn tế bào tốt nhất và được lấy làm tiêu chuẩn để so sánh với tế bào gốc trung mô từ từ các nguồn khác.

Các nhà khoa học đã từ lâu đã chỉ ra rằng tế bào gốc trung mô phân lập từ tủy xương (BM-MSC) có khả năng tự đổi mới và biệt hóa thành nhiều dạng tế bào khác nhau như xương, sụn, mỡ, mô liên kết cơ tim, tế bào thần kinh… Không chỉ vậy, BM-MSC còn có tính miễn dịch thấp do chúng không biểu hiện các thụ thể HLA lớp II, nên không gây ra những phản ứng chống chủ nguy hại khi cấy ghép đồng loài.

Mặc dù chỉ chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tủy xương (từ 0.01-0.001%), nhưng BM-MSC có thể được nuôi cấy tăng sinh lên thành hàng tỷ tế bào trong phòng thí nghiệm nhưng vẫn giữ những đặc tính ban đầu.

Dựa trên những công bố khoa học cho thấy, tế bào gốc trung mô phân lập từ tủy xương (BM-MSC) mang tiềm năng hứa hẹn trong y học tái tạo, đặc biệt trong ứng dụng trong điều trị các nhóm bệnh sau:

  • Nhóm bệnh liên quan đến cơ, xương khớp như: thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, chấn thương xương…
  • Bệnh liên quan đến tim mạch: nhồi máu cơ tim, bệnh cơ tim, suy tim,…
  • Bệnh liên quan đến hô hấp: COPD, xơ hóa phổi,…
  • Bệnh liên quan đến thần kinh: Xơ cứng rải rác (MS), đột quỵ, chấn thương tủy sống, Parkinson, Alzheimer, bại não…
  • Bệnh liên quan đến hệ miễn dịch: GVHD, lupus, vẩy nến…
  • Bệnh rối loạn chuyển hóa: Tiểu đường, suy gan, suy thận,…

Tế bào gốc trung mô từ dây rốn

Những tế bào gốc trung mô nguyên thủy nhất (tiềm năng biệt hóa cao nhất) được phân lập từ dây rốn (thạch rốn, máu cuống rốn) và nhau thai. Chúng dễ dàng thu thập, không ảnh hưởng tới đứa trẻ và mẹ.

Đồng thời, tế bào gốc trung mô có thể được phân lập từ thạch rốn mà ít lẫn các loại tế bào khác, trong khi máu cuống rốn có thể đồng thời thu nhận cả tế bào gốc trung mô và tế bào gốc tạo máu.

Các kết quả nghiên cứu lâm sàng cho thấy, tế bào gốc trung mô từ dây rốn có tiềm năng lớn trong y học tái tạo để điều trị nhiều loại bệnh khác nhau như bệnh tim mạch, tiểu đường, tự kỷ, chấn thương não/tủy sống, Alzheimer, Parkinson, các bệnh tự miễn, viêm xương khớp, xơ gan, bệnh phổi, làm lành vết thương, thẩm mỹ, chống viêm, phục hồi các tổn thương của mô/cơ quan…

Tế bào gốc trung mô từ mô mỡ

Mô mỡ là nguồn thu nhận tế bào gốc trung mô dồi dào nhất, do nó phân bố khắp nơi trong cơ thể, đồng thời có thể tự tái tạo. Người ta có thể dễ dàng thu nhận đủ số lượng tế bào cần thiết mà không cần trải qua quá trình nuôi cấy.

Nhờ số lượng tế bào rất lớn, tế bào gốc trung mô từ mô mỡ được sử dụng tự thân ngay sau khi phân lập, vì thế tránh được hiện tượng miễn dịch thải ghép. Tuy nhiên, tiềm năng biệt hóa của tế bào gốc trung mô từ mô mỡ kém hơn từ hai nguồn trên.

Các nguồn tế bào gốc trung mô khác thường thu được số lượng tế bào gốc hạn chế, nên thường chỉ sử dụng trong nghiên cứu tế bào, khó có thể ứng dụng vào trị liệu.

Ứng dụng tế bào gốc trung mô trong y học

Nhờ khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau, tế bào gốc trung mô được kỳ vọng mở ra cuộc cách mạng cho y học tái tạo.

Tiềm năng biệt hóa của tế bào gốc trung mô
Tiềm năng biệt hóa của tế bào gốc trung mô

Trên mô hình động vật thí nghiệm (chuột nhắt trắng), tế bào gốc trung mô đã được chứng minh có khả năng làm giảm sự tiến triển của nhiều bệnh mạn tính như các bệnh thoái hóa thần kinh (bệnh Alzheimer, Parkinson), các bệnh tự miễn (viên khớp dạng thấp, tiểu đường typ I), các bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim),…

Xét trên khía cạnh ứng dụng, tế bào gốc trung mô từ tuỷ xương (BM-MSC), tế bào gốc trung mô từ mô mỡ (AD-MSC), và tế bào gốc trung mô từ dây rốn (UC-MSCs) là ba dòng tế bào gốc được sử dụng nhiều nhất trong các lĩnh vực như thoái hóa khớp gối, bại não, loạn sản phế quản phổi, phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), tiểu đường, trẻ hoá da mặt…

Lưu trữ tế bào gốc trung mô

Ngân hàng lưu trữ tế bào gốc gốc trung mô sẽ tiến hành ba bước quan trọng: thu thập, xử lý và bảo quản lạnh.

Hiện nay tại Việt Nam chỉ có một số ít ngân hàng lưu trữ tế bào gốc có thể lưu trữ loại tế bào này và chủ yếu lưu trữ tế bào gốc trung mô được phân lập và nuôi cấy từ dây rốn trẻ sơ sinh, rất ít trường hợp lấy từ mô mỡ người trưởng thành.

Video giới thiệu quá trình lưu trữ tế bào gốc trung mô của Medeze